"Không hoảng sợ, con yêu việc đến trường!"

0/5 (0) Bình chọn

Thứ sáu, 23/06/2023 06:06

"Không hoảng sợ, con yêu việc đến trường!"

Cách đây 1 năm, con gái mình bắt đầu đến trường sau một thời gian dài đằng đẵng vì dịch bệnh. Ban đầu, vợ chồng mình dự định cho con đi học sớm, tầm 15 - 18 tháng gì đó, nhưng rồi người tính không bằng trời tính, đến 27 tháng con gái mình mới thực sự được đến trường. Nhiều người cho rằng ở độ tuổi này, em bé "khôn" rồi nên sẽ khó hơn, nhưng bản thân mình lại thấy nếu tận dụng được cái "khôn" của em bé, thì mọi việc còn dễ dàng hơn khi cho em bé đi học sớm. Mỗi độ tuổi sẽ có kiểu phản ứng khác nhau khi đi học, do đó đòi hỏi cha mẹ phải linh động tương tác phù hợp với độ tuổi, tuy nhiên, bản chất của vấn đề thì vẫn vậy, không có gì thay đổi cả.

 

 

 

Đối với một em bé thì trước khi đến trường, môi trường sống an toàn nhất của bé là nhà của bé; mối quan hệ mà bé cảm thấy an toàn nhất chính là mối quan hệ với người chăm sóc bé (đó có thể là mẹ, là bố, hay bất cứ ai mà dành nhiều thời gian chăm sóc và yêu thương bé nhất). Chúng ta luôn cảm thấy an toàn với những gì quen thuộc và em bé cũng thế. Việc chuyển dịch từ môi trường "nhà" sang môi trường "lớp học" là một sự thay đổi rất rất lớn đối với em bé; và nếu không được chuẩn bị kĩ càng về mặt tâm lý, bé có thể bị shock và cảm thấy khó thích nghi.

Vậy, mục tiêu hàng đầu của bố mẹ trong giai đoạn này là dần dần để con cảm nhận được "lớp học" cũng giống như "nhà" của mình - là một môi trường an toàn mình có thể sống và "cô giáo" cũng giống như "người chăm sóc" mình, mình có thể tin tưởng được cô giáo. Để làm được điều này, mình đã thực hiện các cách sau với con:

Nói chuyện với con về trường học của con: mình mở video cho con xem về trường, giới thiệu về tên trường và các khung cảnh xung quanh trường. Kể cho con nghe về những việc con sẽ làm ở trường. Mình đưa con đến trường tham gia các lớp hội thảo do nhà trường tổ chức, cho con chạy nhảy chơi trong trường để quen dần với không gian.

Thiết lập lại thời gian biểu sinh hoạt ở nhà gần với ở trường nhất có thể: Hồi năm ngoái mình chỉ mới tự điều chỉnh (mẹ dẫn dắt) bằng cách kể về trình tự các hoạt động cho con chứ cũng chưa nghĩ ra được làm bảng "Daily Tasks" cho con dễ hình dung và chủ động. Năm nay con lớn hơn rồi nên mình làm cái này để con có sự chủ động của chính mình. Việc biết trình tự của các việc cần làm cũng sẽ khiến con cảm thấy yên tâm hơn khi đi học. Còn nhớ năm ngoái cô giáo chủ nhiệm của Nhím (con gái mình) kể: "Buồn cười lắm mẹ ạ, hôm nào cũng hỏi ăn sáng xong thì làm gì hả cô, cô trả lời là học bài thì bạn ấy sẽ hỏi tiếp , thế học bài xong thì làm gì hả cô cho đến lúc cô bảo con uống sữa xong thì bố Hiến mẹ Hà đến đón con về mới hết hỏi".

Làm quen với môi trường lớp học và cô giáo: Trường bạn Nhím nhà mình thường có thời gian nghỉ hè 2 tuần và bắt đầu khai giảng vào 15/6. Trong thời gian nghỉ hè thì đương nhiên là không thể đưa con đến trường làm quen rồi, do đó mình quyết định cho con đi học muộn hơn các bạn, để tận dụng mấy ngày đầu đưa con đến làm quen với cô, với các bạn và với không gian lớp học. Cứ chiều sau 4h là các cô cho vào lớp, hai mẹ con vào lớp ngồi chơi cùng các cô, có mẹ nên Nhím tự tin lục lọi đồ chơi lắm, các cô cũng chiều, cho nghịch. Khi con cảm thấy lớp học có nhiều thứ vui, các cô rất quan tâm con thì con cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi rời xa bố mẹ.

Tạo lập niềm tin: Đối với mình, đây là điều quan trọng nhất. Đừng bao giờ đánh mất niềm tin của con vào mình và vào chính cô giáo của con nữa. Ngoài việc mẹ luôn giữ lời hứa trong tất cả mọi việc từ trước đến nay thì trong giai đoạn con đi học mình tiếp tục gây dựng niềm tin như sau. Buổi đầu đi học, mình nói rõ với con về lịch trình và hứa sẽ đến đón con sau khi con ăn trưa xong. Giữ đúng lời hứa, sau khi con ăn trưa xong, bố mẹ đón con về, con đã rất vui mặc dù sáng đó cũng khóc hết nước mắt. Ngày hôm sau mẹ tiếp tục nói về lịch trình của con trong ngày và hứa sẽ đón con vào buổi chiều, sau khi con uống sữa xong (mình lấy cột mốc uống sữa, vì đó là cột mốc giúp con dễ hình dung nhất và dễ nhớ nhất). Và vợ chồng mình luôn giữ đúng lời hứa đó với con, mình đến sớm trước 4h, đúng 4h sau khi con uống sữa xong là mình lên lớp đón về. Khi con tin tưởng vào việc bố mẹ luôn đón mình, không bao giờ bỏ rơi mình thì con cũng sẵn sàng hơn cho việc đi học.

Việc cuối cùng là cho con hình dùng rõ nét nhất về khái niệm thời gian các ngày trong tuần. Mình thiết kế cho con một timetable của riêng mình, trong đó có các ngày trong tuần và nhiệm vụ của từng ngày, tất nhiên từ thứ Hai đến thứ Sáu con đi học, thứ Bảy, Chủ Nhật con ở nhà với bố mẹ. Mình cũng tặng con món quà nho nhỏ là cây kẹo mút cho một tuần cố gắng của con. Nhiều khi chờ đợi một điều gì đó cũng khiến ta có động lực hơn để làm việc ở hiện tại, với Nhím - chờ đợi đến thứ 7, CN để ở nhà với bố mẹ và được ăn kẹo mút là động lực để mỗi ngày con thức dậy vui vẻ đến trường.

Trên đây là toàn bộ những gì mình đã áp dụng với con của mình, và những điều đó mang lại kết quả. Em bé Nhím của mình mất khoảng 2 ngày để có thể vui vẻ đi học và hiểu được nhiệm vụ của mình là gì. Tất nhiên mình hiểu, mỗi em bé có một tính cách khác nhau và cần thời gian làm quen với môi trường mới khác nhau, con số 2 ngày không phải là thước đo gì cả, nhưng nhìn con vui vẻ mỗi ngày đến trường, mình cũng tin rằng, những gì mình làm là có ích!

 

Elina
TAGS:

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục