Truyện dân gian Việt Nam: Trả nợ anh lái đò

4/5 (1) Bình chọn

Thứ Ba, 04/01/2022 04:01

    Trả nợ anh lái đò

 

 

Quỳnh đi đò ngang thường chịu tiền, lâu quá hoá nhiều, không trả được.

 

Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:

 

– Ừ đợi đấy, mai ta trả.

 

Rồi mua tre nứa, lá ngồi làm một cái nhà bè ở giữa sông, trong đề một câu:

 

“Đ…. Mẹ thằng nào bảo thằng nào!”

 

Và phao ầm lên rằng đó là lầu yết thơ củaTrạng.

 

Thấy nói thơ Trạng, thiên hạ nô nức kéo nhau đi xem. Đi đò ra đến nơi, thấy độc một câu như thế, chán quá lại đi đò về. Người khác gặp hỏi thì cáu, chỉ trả lời:

 

– Ra mà xem!

 

Thế là thiên hạ càng thấy lạ, càng xô nhau ra xem. Anh lái đò chở hết chuyến nọ đến chuyến kia không kịp, trong ba bốn ngày, được không biết bao nhiêu tiền. Ðược mấy hôm, Quỳnh dỡ nhà bè, bán lại cho anh lái đò. Anh lái đò đòi nợ. Quỳnh mắng:

 

– Anh còn nợ ta thì có, ai làm cho anh mấy hôm chở được bấy nhiêu tiền?

 

Anh lái đò mới nhận ra, liền cám ơnQuỳnh rồi rít và xin trả đủ tiền.

 

Trạng chữa bệnh

 

Chúa Trịnh có cô con gái út rất được cưng chiều chẳng may bị bệnh sởi. Nàng quận chúa bị sốt li bì, nằm liệt giường cả bảy ngày, tất cả các quan ngự y giỏi đều được mời đến mà bệnh vẫn không lui. Thế cùng, chúa nghĩ đến Trạng Quỳnh và gọi ông tới thăm bệnh cho quận chúa và bảo:

 

– Bệnh của con ta có vẻ nặng lắm. Khanh mà hết lòng chữa khỏi được thì nhất định ta sẽ trọng thưởng.

 

Trạng vào thăm, qua kinh nghiệm, biết ngay quận chúa bị bệnh sởi. Bệnh này thì còn phải sốt cao năm ba ngày nữa, đến khi sởi mọc hết mới giảm sốt. Nhưng vốn không ưa gì nhà chúa và bọn nịnh quan bất tài, trạng tâu ngay:

 

– Bệnh quận chúa rất nặng, chúa phải làm lễ dâng sao thì mới khỏi. Thần xin làm sở tế, nhưng tên các sao thì nhiều và lạ, vì vậy xin chúa cho phép thần chọn người học rộng, kiến thức uyên bác trong các quan để đọc sở tế.

 

Chúa Trịnh chuẩn tấu, xuống chiếu cho các quan chờ nghe trạng gọi ai, thì người đó phải tuân lệnh và đọc sở tế.

 

Các quan tất nhiên là rất lo lắng bởi sợ không đủ sức để mà đọc sớ Trạng viết. Bọn họ liền cho người nhà đi dò la nhưng chỉ thấy Trạng đang sai người nối giấy cuốn lại thành cuộn to như cái bồ để chuẩn bị viết sớ. Quan nào quan nấy được tin báo vừa to vừa dài khủng khiếp như vậy đều hoảng sợ, chỉ lo Trạng gọi đến mình mà đọc không xong hẳn là phen này mất hết chức tước, đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, các ông quan bất tài ấy thay nhau mang đủ thứ lễ vật đến nhà Trạng mà lo lót đồng thời viện cớ đau lưng, mỏi gối, nhức mắt, khàn giọng v.v… Khẩn khoản xin Trạng miễn cho mình đọc sớ!

 

Trạng điềm nhiên nhận lễ vật, điểm lại tất cả quan triều đều tới nhà mình lo lót, bèn vào tâu:

 

– Thần xem phen này trong các quan không một ai có đủ kiến văn để mà đọc sớ. Vậy thì thần xin đích thân vì chúa mà đọc sớ tế lần này.

 

Chúa nghe vậy rất cảm động, an ủi:

 

– Cứu bệnh như cứu hỏa, khanh hãy ráng sức vì ta mà làm thật tốt, ắt là ta sẽ đền ơn!

 

Đêm hôm lẽ dâng sao, Trạng sai lính tháo cuộn giấy to bằng cái bồ ra. Giấy vừa mở ra, Trạng nhìn vào và đọc ngay:

 

– Trên trời có muôn vì sao.

 

Đọc xong Trạng đứng yên chờ. Giấy tháo ra mãi ra mãi, cho đến cuối cuộn mới thấy có thêm mấy dòng chữ, Trạng liền đọc tiếp:

 

– Có phải vị nào, xin vào ăn xôi. Ăn xong, sao lại lên trời. Độ cho quận chúa phục hồi sức xuân Cẩn cáo!

 

Các quan cực kỳ kinh ngạc vì bài sớ kì dị của Quỳnh. Thế nhưng cúng xong được một ngày thì sởi mọc hết, quận chúa hạ sốt ngay. Rồi sởi bay, quận chúa khỏi bệnh.

 

Chúa Trịnh mừng lắm, cho là Trạng có tài cảm hoá được quỷ thần, trọng thưởng Trạng rất nhiều. Riêng Trạng vừa được thưởng, vừa được “Hối lộ”, về nhà đóng cửa cứ cười tủm tỉm một mình.

 

Món ngon nhà Trạng

 

 

Có thời gian, chúa Trịnh bỗng mắc một căn bệnh không chữa khỏi, đó là căn bệnh ăn không ngon. Tất nhiên chúa quanh năm sơn hào hải vị, món ngon vật lạ trong thiên hạ đều ê hề thứa mứa, vậy mà chúa vẫn không cảm thấy ngon miệng được. Một hôm, trạng Quỳnh vào hầu, chúa than thở;

 

– Độ rày miệng ta đắng lạ. Dù là của ngon vật lạ cũng thấy dửng dưng. Trạng có biết món nào ngon không thì nói cho ta hay?

 

Trạng nghe nói liền cười mỉm mà tâu ngay:

 

– Tâu chúa, xin hỏi chúa đã từng dùng món mầm đá chưa?

 

– Mầm đá? Chà, món đó thì chưa cả nghe đến. Chắc là vị ngon lắm?

 

– Muôn tâu, quả là có vậy. Thần vẫn dùng khi chán ăn. Ngon lắm ạ!

 

Chúa nghe vậy hớn hở:

 

– Vậy mà ta không biết sớm. Khanh về lo chuẩn bị đi. Ngay chiều nay ta sẽ thử món ăn này cho biết!

 

Mới xế chiều chúa ngự đến nhà Quỳnh thật. Lúc ấy Quỳnh mới sai người lập tức đi lấy mầm đá về ninh cho chúa dùng. Nồi được nấu ngay trước mặt chúa. Quỳnh bảo đốt lửa thật to cho nước sôi lên sùng sục và ngồi hầu chuyện chúa hết giờ này sang giờ khác. Gần tối, nồi hầm đá vẫn sôi chưa cạn, chúa chỉ uống nước trà suông, sót ruột mới hỏi:

 

– Mầm đá hầm đã lâu chắc là sắp chín?

 

Quỳnh thưa ngay:

 

– Muôn tâu, xin chúa đợi thêm lát nữa, chưa được ạ!

 

Chúa chờ nhưng đã đói lắm rồi, chốc chốc lại hỏi thăm. Trạng tâu:

 

– Món này chưa hầm chín thì lâu tiêu lắm. Xin chúa gắng chờ thêm!

 

Gần đến khuya, khi chúa đã chờ đợi đến đói rát ruột, Quỳnh mới thưa rằng:

 

– Thần e mầm đá vẫn chưa chín tới. Vậy xin chúa dùng tạm vài món dã vị của nhà thần, khi mầm đá chín, thần sẽ dâng lên ngay!

 

Nói xong sai người nhà bưng lên một mâm cơm trắng nóng với một lọ tương lớn, thật thơm. Chúa đang đói, ăn một hơi mấy chén thật ngon miệng. Trông thấy cái lọ, Quỳnh có viết hai chữ “Đại Phong” dán trên nắp, chúa thắc mắc.

 

– Đại Phong là món ngon gì mà ta chưa từng dùng?

 

– Muôn tâu, đó chỉ là món ăn thường ngày của một người dân thôi ạ!

 

– Nhưng đó là món gì?

 

– Bẩm là… Món tương ạ!

 

– À, tương, nhưng sao khanh lại đề là “Đại Phong”?

 

– Bẩm “đại” là lớn, “Phong” là gió, tức là gió lớn. Gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, mà tượng lo tức là… Lọ tương ạ!

 

Chúa nghe Quỳnh giảng vòng vo vay cười vui vẻ rồi nói:

 

– Tương thì ta có ăn nhưng…. Lâu rồi. Mà vì lâu nên quên cả vị, không ngờ ăn lại thấy ngon miệng quá! Quỳnh tâu:

 

– Chúa nói quả không sai. Nhưng chúa ngon miệng là do chúa đã đói bụng. Khi lúc nào cũng no thì của dù ngon mấy cũng chán ăn ạ!

 

Chúa Trịnh hiểu ra, cười bảo:

 

– Vậy ta hiểu món mầm đá của khanh rồi. Chờ cho đói thì ăn ngon chớ đá thì hầm bao giờ cho chín được.

 

Lỡm quan thị

 

Có một ông quan thị đại nịnh thần, được chúa Trịnh yêu lắm. Ông ta thường đến chơi nhà Quỳnh, thấy sách thì cũng mượn xem, mà ít khi trả. Quỳnh ghét cay ghét đắng, định chơi xỏ một trận cho chừa. Quỳnh bèn lấy giấy trắng đóng thành quyển sách để sẵn. Một hôm. Thấy bóng quan thị đằng xa, Quỳnh giả vờ cầm sách xem, đợi khi ông ta đến nơi thì giấu đi. Quan thị thấy Quỳnh giấu, ngỡ là sách lạ, đòi xem, Quỳnh bảo:

 

– Sách nhảm có gì mà xem.

 

Quan thị năn nỉ mãi cũng không được, về tâu với chúa. Chúa đòi Quỳnh sang hỏi, Quỳnh đoán chắc là đòi về chuyện quyển sách, mới lấy bút viết mấy câu vào sách bỏ vào tráp khoá lại, rồi sang hầu. Quả nhiên như thế. Quỳnh tâu:

 

– Không có sách gì lạ, chắc thị thần tâu man với Chúa đó.

 

Chúa thấy Quỳnh chối, lại càng tin là Quỳnh có sách lạ, bắt phải đem trình. Quỳnh sai người về đem tráp sang, mở ra, chỉ thấy có một quyển sách mỏng, Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa bảo:

 

– Cứ đưa ra. Chúa mở ra xem chỉ thấy có mấy câu:

 

– “Chúa vị thị thần viết: Vi cốt tứ dịch, vi cốt tứ dịch. Thị thần quy nhị tấu viết: Thần phùng chỉ phát, thần phùng chỉ phát”.

 

Chúa ngẫm nghĩ đi lại không biết nghĩa ra làm sao, bảo Quỳnh cắt nghĩa thì Quỳnh rụt rè tâu:

 

– Sách ấy là sách nhảm nhí của tiểu thần chỉ xem khi buồn, sợ cắt nghĩa ra, rác tai chúa!

 

Chúa nhất định không nghe, bắt Quỳnh cắt nghĩa cho được.

 

Quỳnh vâng lệnh tâu với chúa, câu ấy nghĩa là: ” chúa hỏi thị thần rằng:

 

Làm xương cho sáo, làm xương cho sáo, thì thần quỳ mà tâu rằng: Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc”

 

Quỳnh cắt nghĩa, nhưng chúa cũng chưa hiểu ra lại hỏi:

 

– Đã đành nghĩa đen là thế, nhưng mà ý tứ thế nào?

 

Quỳnh tủm tỉm không dám nói. Chúa và quan thị đứng hầu bên càng gặng hỏi.

 

Quỳnh mới tâu:

 

– Xin chúa đọc đảo ngược lại thì ra nghĩa, nhưng mà tục lắm. Bấy giờ chúa với quan thị mới biết Quỳnh lõm, bảo Quỳnh mang sách về.

 

Quỳnh ra, quan thị chạy theo trách Quỳnh nhạo cả Chúa, thực là vô phụ, vô quân. Quỳnh đáp lại:

 

– Ngài nói tôi vô phụ, vô quân thì bọn thập trường thị đời Hậu Hán là gì? Tôi đã giấu mà ngài cứ nịnh để đòi ra cho được thì lỗi tại ai?

 

Đơn xin chôn Trâu

 

Một cô gái ở thôn Hoằng Trì có con trâu chết đã ba ngày, trâu chương lên thối um mà bọn chức dịch trong làng vẫn cứ làm khó dễ, chưa cho chôn. Cô đợi mãi không được, bèn mang đơn lên trình quan huyện.

 

Trên đường đi, đến một chỗ lầy lội, cô gặp một anh chàng ra dáng học trò. Anh kia hỏi thăm biết chuyện, mượn cô lá đơn xem lỡ tay đánh rơi xuống bùn. Cô gái bắt đền. Anh học trò liền đem giấy bút ra, thảo ngay tờ đơn khác cho cô. Đơn rằng:

 

Ta là gái goá kẻ trị

Nếu trâu không chết việc chi lụy đời?

Lội đồng váy hếch đơn rơi,

Ta phải cậy người mần lại đơn nị

Quan tri ơi hỡi quan tri!

Xác trâu chết để ba ngày thối hoăng

Xét đơn phải xử công bằng

Không thì bú… cho thằng mần đơn.

 

Anh kia viết xong, cô gái thật thà cầm đơn vào trình quan. Xem xét chữ nghĩa và lời lẽ, viên tri huyện nghi hoặc, hỏi cô gái ai là người cô đã nhờ viết đơn. Cô gái kể rõ mọi chuyện chuyện đã xẩy ra trên đường. Tri huyện lặng người, biết ngay kẻ đó là Trạng Quỳnh chứ không ai khác. Tuy tức vì bị chửi xỏ, quan cũng đành chấp thuận cho cô gái kia được về chôn trâu mà không phải nộp phạt.

 

Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Elina

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục